Đây là một nhận xét: trên đời, chính những cái làm ta khó chịu, thì nhiều khi ta lại cần đến nó. Chẳng hạn, Bạn giẫm phải một cái gai, Bạn tức mình, đem nhổ nó đi ngay, rồi trong lúc bực mình, Bạn bẻ nó ra nhiều khúc và quăng cho xa… Phải, Bạn có quyền làm thế, và có lẽ phần đông chúng ta đều làm thế. Nhưng ngờ đâu, một lúc sau, Bạn bị một cái dằm đâm vào thịt, nặn thế nào cũng không ra. Lúc ấy Bạn làm gì? Bạn đi tìm cái gai để lẩy nó. Trên đời, nhiều truyện cũng như truyện cái gai ấy. Chúng làm ta khó chịu trong chốc lát. Nhưng, rồi có lúc chúng ta lại cần đến. Chúa không làm cái gì vô ích, miễn chúng ta hiểu Thánh ý Chúa, và vui lòng nhẫn nhịn. Tôi muốn dẫn thật nhiều ví dụ, để khi gặp cái tôi nói đây, Bạn hiểu ngay bài học tôi muốn tặng Bạn lúc này và nhờ thế, Bạn thêm nhẫn nại để đền tội lập công. Con nhện làm ta khó chịu, vì trong nhà luôn luôn phải quét những cái màng nó chăng tứ phía. Vừa quét buổi sáng, thì đến trưa đến chiều lại phải quét, vì nó lại đã chăng đầy nhà. Nếu thiếu nhẫn nại, thì ta đã tức bực chửi rủa những con vật vô tội ấy. Nhưng tôi hỏi Bạn, Bạn có biết chính những con nhện ấy đã giết cho nhà Bạn bao nhiêu con muỗi không, mà chính những con muỗi ấy, mới là những con vật làm hại cho Bạn hơn? Không những thế, đến khi Bạn đứt tay, Bạn làm gì? Chắc Bạn cũng biết ở nhà quê, người ta lấy trứng nhện để rịt chỗ đứt tay. Nhưng nếu bao nhiêu trứng nhện trong nhà bị đập dập hết, thì còn đâu để chữa những vết thương cho Bạn? Con nhện phải chăng là nguồn đau khổ cho Bạn? Bạn nhẫn nại một tí, thì nó đã mưu ích cho Bạn, Bạn thấy không? Một người muốn thắp đèn, nhưng bị gió thổi tắt. Người ấy phát khùng, la lối, quăng cả diêm, cả chụp vào xó nhà: “Để tao làm giời cho, lúc gió thì không gió, lúc này thì gió như bão”. Đó là một truyện thật, chính tôi đã chứng kiến. Nhưng Bạn ạ, gió, phải chăng là căn cớ làm ta khó chịu? Cũng con người tôi vừa nói đó, lúc nóng nực họ lại la: “Lúc cần gió, thì không gió”. Thế thì biết làm sao để chiều họ được? Cái mà lúc trước họ nguyền rủa, thì một lúc sau lại đi tìm. Một ví dụ khác. Người ta thường nói: “Thủy khắc hỏa”, nước và lửa nghịch nhau. Cái ấy cũng có phần đúng. Nhưng người ta quên hẳn cách Chúa Quan phòng an bài mọi sự. Chúng ta cần cả hai thứ như nhau và bằng nhau. Nếu không có nước, thì nhiều khi tắt sao được lửa? Trong những đám cháy nhà, người ta làm gì? Người ta đi tìm nước. Không có nước là hỏng. Khi muốn nấu dọn đồ ăn, muốn có một chén nước, người ta làm gì? Người ta đi tìm lửa. Thì ra cả hai cái mà người ta cho là tương khắc nhau, lại bổ túc cho nhau, lại có thể dung hòa với nhau được, để mưu ích cho chúng ta. Nói xa chẳng qua nói gần. Trong gia đình, có hai người, hai chị em chẳng hạn, khác tính nhau. Một người thì nóng nảy, một người thì chậm chạp. Người nóng nảy làm người chậm chạp khó chịu, và ngược lại, người chậm chạp cũng làm người nóng nảy khó chịu; nhưng hai người ấy đều cần cho nhau, và đều có thể giúp đỡ bổ túc cho nhau. Người nóng nảy có thể lấy người chậm chạp làm bài học cho mình, và người chậm chạp cũng có thể lấy người nóng nảy làm bài học cho mình. Vậy, cả hai người nếu biết lợi dụng, thì đều có thể, một người bớt chậm chạp, một người bớt nóng nảy, như thế cả hai sẽ hóa nên người đúng mực. Rồi có những việc phải giao cho người nóng nảy để họ thi hành cấp tốc, có những việc phải giao cho người chậm chạp để họ làm cho cẩn thận hơn. Hai người cùng bổ túc cho nhau, và giúp đỡ lẫn nhau ở những công việc mà người nọ làm không bằng người kia. Bạn đã thấy chưa? Ở đời, Chúa không làm cái gì vô ích, chỉ cần một điều, là chúng ta biết lợi dụng, biết nhẫn nại để mưu ích cho mình, và mưu ích lẫn nhau. Đó chỉ là những ví dụ. Và tôi không có ý nói, chẳng hạn, không được lẩy cái gai mắc ở chân. Tôi chỉ có ý lợi dụng những ví dụ tự nhiên ấy để dẫn Bạn đến phương diện khác, tôi có ý bàn đến ở đây, là phương diện siêu nhiên, vì những cái xung khắc ấy, những cái ngược ý ấy, giúp chúng ta rất nhiều trong việc luyện tập nhân đức. Mỗi giờ mỗi phút, chúng ta có dịp tập nhẫn nại, có dịp lập công. Bạn hãy lấy truyện Đức Chúa Giêsu làm tỉ dụ. Trong ba năm ở với các tông đồ, Chúa làm gì? Trước hết Chúa có thể chọn những tông đồ sáng suốt, minh mẫn, dịu dàng và có đủ đức tính; hoặc Chúa làm ngay cho các ông nên thánh thiện, xứng với chức vị tông đồ. Đàng này Chúa làm khác, Chúa đã chọn những người tầm thường, có nhiều tật xấu. Chúa giảng đi giảng lại nhiều lần, mà các ông vẫn không hiểu những điều Chúa dạy. Sao Chúa làm thế? Là để Chúa có dịp hãm mình, để các tông đồ có dịp tập nhẫn nại, và chịu đựng sự khó với nhau. Ấy cũng là một tấm gương để chúng ta cùng soi. Chúa không muốn chúng ta sống giữa những người hoàn toàn. Chúa muốn chúng ta sống cạnh những người có nhiều tật xấu, và chính chúng ta có nhiều tật xấu – ai dám tự phụ mình không có tật xấu? Nhân vô thập toàn, mà! – Như vậy để chúng ta có dịp giúp đỡ nhau lập công, do sự tập nhẫn nại. Nếu chúng ta không hiểu bài học ấy thì cuộc đời sống chung với nhau, sống cạnh những người không hợp tính, sẽ là một cuộc đời đau khổ. Phải sống cạnh những người từ sáng đến tối không hiểu nhau, và chỉ làm cho nhau khó chịu, thì còn gì đau đớn bằng? Trái lại, nếu chúng ta hiểu bài học ấy, nếu chúng ta biết lợi dụng hết những người chung quanh chúng ta để làm lợi cho mình, và mưu ích cho họ, thì cuộc đời chúng ta sẽ đỡ khổ nhiều, và những người sống chung với ta cũng được hạnh phúc. Các Thánh đã hiểu thế, nên ít khi các đấng tránh những người không hợp tính với mình. Chẳng hạn Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã tình nguyện săn sóc một chị nữ tu già khó tính, dù chị đã hết sức chiều chuộng, mà chị kia vẫn không khi nào được như ý… Nhưng Thánh nữ vẫn tươi cười, khiến chị kia phải ngạc nhiên. Nhờ thế, Bà đã lập được nhiều công, và chị nữ tu kia sau cũng được nhiều ích lợi. Đời các Thánh không thiếu gì những truyện giống như thế. Bạn hãy đọc lại truyện thánh Catarina Siêna với một chị bạn Dòng Ba, tôi đã kể ở đoạn “Phải đổ máu”. Bạn muốn làm Thánh không? Chắc là có. Vậy thì hãy soi gương các Thánh, đừng tránh trút những dịp làm mình khó chịu, nhất là khi không thể tránh được, thì lại càng nên nhẫn nại. Làm Thánh ở chỗ ấy, chứ không phải ở chỗ luôn luôn gặp những điều vừa ý. Ta hãy đi xa hơn tý nữa. Bạn hãy tưởng tượng, nếu ở đời, cái gì cũng giống nhau, thì sẽ ra thế nào? Nếu ai cũng lớn như ai, ai cũng nhỏ như ai, nếu cái gì cũng đỏ, cái gì cũng trắng, cái gì cũng đen… nếu lúc nào cũng mưa, lúc nào cũng nắng… nếu chỉ có ngày, nếu chỉ có đêm… thì buồn chán biết mấy! Trăm nghìn điều khác vậy. Chúa khôn ngoan vô cùng đã hiểu những cái ấy trước ta, nên Người đã an bài mọi cái cho khác nhau, khác nhau về vị trí, khác nhau về tính tình, khác nhau về sức khoẻ, khác nhau về học lực, khác nhau về nhiều phương diện khác, để trên thế giới có sự thay đổi, nhờ thế, có sự đẹp, và vì khác nhau, các vật mới có thể giúp đỡ lẫn nhau, và làm ích cho nhau. Bạn hãy nghĩ, trong một đám rước nếu tất cả ban tổ chức, cùng tính tình như nhau, nên tất cả mọi cái đều theo một màu xanh, thì tuy có đẹp, nhưng không đẹp bằng biết nhiều màu, con mắt ta sẽ được thỏa mãn hơn… Hay nếu các phần mình ta đều như nhau cả, nếu phần nào cũng là tay, thì lấy gì mà đi, nếu phần nào cũng là chân, thì lấy gì mà nói, nếu phần nào cũng là miệng, thì lấy gì mà nghe v.v… Đó chỉ là một ví dụ, nhưng nó giúp Bạn hiểu được các sự điều hòa trong thế giới, khi thấy các vật khác nhau, và người ta khác tính nhau. Nói tóm lại, Chúa đã an bài mọi việc từ việc lớn đến việc nhỏ, với một trật tư hoàn toàn khôn ngoan, chúng ta hãy cúi đầu xuống để ca tụng Chúa và cảm tạ Chúa. Chả lẽ Chúa lại không bằng một họa sĩ khi vẽ một bức tranh, biết chỗ thì tô đậm, chỗ thì tô nhạt, có chỗ nét to, có chỗ nét nhỏ… Ta hãy vui lòng lĩnh nhận những cách Chúa an bài, không khi nào dám phàn nàn năn nỉ… chịu cho vui lòng, để tỏ mình biết vâng phục Thánh ý Chúa, để tập thêm nhẫn nại, để lập công, để mình được bình tĩnh mà sống… để nên thánh. Vậy từ nay Bạn hãy đem những ý tưởng ấy ra mà suy ngắm. Nhờ sự suy ngắm, ta có thể chôn chặt những điều ấy vào lòng, và như thế, mỗi khi gặp sự khó, ta có thể hiểu ngay Thánh ý Chúa, và ta sẽ vui lòng chịu được các sự khó Thánh ý Chúa gửi đến cho. Ước gì được như vậy!
|